Hình thành Vương_quốc_Medang

Bia ký Canggal, tìm thấy ở làng Canggal phía tây nam thị trấn Megalang, khắc năm 732 bằng tiếng Phạn ghi lại rằng sau khi vua Sanna qua đời, xứ Yawadwipa của ông bị chia cắt và hỗn loạn. Cháu, con người em gái của ông, là Sri Sanjaya lên kế vị và đã thống nhất trở lại đất nước, đem lại hòa bình và thịnh vượng.[1]

Còn Carita Parahyangan, một cuốn sách được đời sau viết, thì kể rằng vua Sanna bị vua xứ Galuh là Purbasora đánh bại và phải chạy lên núi Merapi. Kế vị Sanna là Sri Sanjaya đã giải phóng được đất nước, cai trị toàn đảo Java và Bali. Sri Sanjaya còn chiến đấu với các vua của Srivijaya.

Sri Sanjaya là người sáng lập Medang và vương triều Sanjaya. Triều Sanjaya nắm vương quyền của Mataram đến năm 928. Các vua triều Sanjaya xưng là majahara (Đại Đế).

Có một thuyết cho rằng, kình địch với Medang là SailendraTrung Java. Sailendra sau đó đã trở thành bá chủ ở Trung và Đông Java; còn Medang trở thành chư hầu. Quan hệ bá chủ - chư hầu giữa Sailendra và Medang có thể được củng cố bằng con đường hôn nhân. Vua Sailendra là Samaratungga đã gả con gái mình là Pramodhawardhani cho vua Pikatan của Medang. Tuy nhiên, chính Pakita là người đã đánh bại Balaputra, vua của Sailendra, chấm dứt sự tồn tại của Sailendra.[2] Học giả Colin Brown, tác giả cuốn A Short History of Indonesia, có lẽ cũng cho rằng vương quốc Sailendra chính là vương quốc Medang khi ông cho rằng đỉnh cao trong nghệ thuật xây dựng của Medang chính là ngôi đền Borobudur.[3]

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu lịch sử của Indonesia thì cho rằng không có chuyện hai dòng họ cai trị hai nước lớn trong cùng thời điểm ở cùng Trung Java. Theo họ, chỉ có một dòng họ cai trị ở Trung Java. Sri Sanjaya theo đạo Hindu Shiva, nhưng con của ông là Panangkaran đã cải đạo và theo Phật giáo Đại thừa và nhiều đời vua tiếp sau cũng theo Phật giáo Đại thừa. Từ thời Pikatan, các đấng cai trị Java lại trở lại theo đạo Hindu Shiva. Giai đoạn các vua theo Phật giáo, Medang chính là Sailendra.[4]

Trong phần lớn thời gian, các vua Medang đóng đô ở Mataram, một nơi nào đó trong đồng bằng Prambanan, gần YogyakartaPrambanan ngày nay. Tuy nhiên, thời vua Rakai Pikatan, kinh đô ở Mamrati. Sau đó, đến thời vua Balitung, kinh đô dời đến Poh Pitu. Hiện các nhà nghiên cứu vẫn không rõ Mamrati và Poh Pitu chính xác là đâu, chỉ biết là ở đồng bằng Kedu, có thể thuộc phạm vi của các huyện Magelang hoặc Temanggung. Đến thời vua Wawa, kinh đô lại dời về Mataram.